Hiểu được các sắc thái giữa các mục tiêu của PR và Marketing và khi nào nên tận dụng các công cụ này là những gì mà người làm marketing nói chung cần nắm. Dưới đây là 5 dấu hiệu cho thấy bạn cần PR, thay vì chỉ là Marketing:
1. Bạn cần xây dựng sự uy tín hay tín nhiệm trong ngành.
Doanh nghiệp của bạn có thể mới tham gia thị trường, đang bước vào một môi trường đã cạnh tranh, hoặc đang tìm cách phá vỡ (disrupt) một ngành công nghiệp.
Trong tất cả những trường hợp đó, thương hiệu của bạn cần phải xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm đối với những đối tượng mục tiêu.
Là người tiêu dùng, chúng ta không chắc sẽ tin tưởng vào một thương hiệu mà chúng ta chưa từng thấy hoặc nghe nói đến trước đây.
Vì vậy, cũng như trong bất kỳ mối quan hệ mới nào, trước tiên bạn cần giới thiệu về bản thân mình. Để làm điều này, hiển nhiên, bạn có thể sử dụng các kênh quảng cáo có trả phí, tuy nhiên, điều đó không thể thay thế cho sự uy tín hay tín nhiệm mà bạn có thể có được bằng PR, khi một phương tiện truyền thông hay một ai đó ‘chủ động’ nói về bạn.
Đó cũng là sự khác biệt giữa việc bạn tự giới thiệu bản thân trên một sân khấu với tư cách là một diễn giả và việc để một người hay một kênh truyền thông nào đó nổi tiếng hơn bạn, đáng tin hơn bạn, nói về bạn.
PR là một công cụ thiết yếu để xây dựng lòng tin. Mối liên kết với bên thứ ba (third-party connection) này không chỉ giúp nâng cao nhận thức và uy tín của thương hiệu mà còn giúp thúc đẩy những mối quan hệ có ý nghĩa giữa bạn với khách hàng mục tiêu của bạn.
Bằng cách phát triển một thông điệp nhất quán và tự tin, bạn có thể định vị bạn như một nhà lãnh đạo tư tưởng, thúc đẩy sự hiện diện của thương hiệu, sự yêu mến của đối tượng mục tiêu đối với sản phẩm, nền tảng hoặc dịch vụ của bạn.
2. Bạn đang tìm kiếm nhà đầu tư.
Theo CB Insights, 29% công ty khởi nghiệp thất bại vì họ hết tiền mặt.
Nếu tiền mặt là vua, thì sự thành công hay thất bại của một doanh nghiệp có thể xảy ra ở khắp tất cả mọi nơi.
Bằng việc đầu tư cho các hoạt động PR, bạn sẽ không chỉ giúp đưa thương hiệu của bạn ra thế giới một cách hiệu quả mà còn định vị đội ngũ lãnh đạo của doanh nghiệp như là những người dẫn đầu trong ngành.
Nói một cách dễ hiểu hơn: đưa câu chuyện và ý tưởng của bạn ‘ra ngoài kia’ là một cách tuyệt vời để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, như một lời cảnh báo, bạn đừng để bị rơi vào bẫy của danh vọng trước khi bạn có đủ lý do để tự hào; hãy tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm hoặc giải pháp tuyệt vời trước khi bạn muốn kể về nó cho người khác một cách rộng rãi.
3. Bạn cần xử lý khủng hoảng.
Công ty của bạn có thể đang phải đối mặt với những đánh giá tiêu cực hoặc có thể đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng truyền thông nào đó.
Là một thành phần trọng yếu để quản lý danh tiếng thương hiệu, PR là chiến lược khôn ngoan khi bạn đang tìm cách kiểm soát nhận thức, ‘dập tắt’ – hoặc ngăn chặn khủng hoảng trước khi nó lan rộng hoặc chuyển hướng theo những diễn biến xấu.
Khi bạn đang tìm đường đến một thị trường mới hoặc có một sản phẩm nào đó gây ra một số tranh cãi, PR nên là một phần của bất kỳ chiến lược thông minh nào ngay từ đầu.
Trong truyền thông khủng hoảng, nếu bạn thất bại trong khâu chuẩn bị, bạn đang chuẩn bị cho thất bại.
Chiến lược PR đúng đắn có thể làm sáng tỏ những nghi ngờ, điều hướng lại câu chuyện và mở ra các cuộc trò chuyện mới để xây dựng (hoặc xây dựng lại) lòng tin.
Warren Buffet từng nói: “Bạn cần 20 năm để tạo dựng danh tiếng nhưng chỉ 5 phút để hủy hoại nó. Nếu bạn nghĩ về điều đó, bạn sẽ làm mọi thứ khác đi”.
4. Bạn đang cần truyền tải những điều gì đó mới.
Khi bạn phát triển một sản phẩm hoặc một tính năng mới nào đó và bạn cần truyền tải nó, đây là lúc để PR và marketing phối hợp chặt chẽ với nhau.
Mặc dù một số thông tin có thể hiệu quả hơn với marketing, nhưng PR có thể giúp định hình việc ra mắt những thứ mới mẻ đó thành một câu chuyện đầy hấp dẫn, điều mà mọi người sẽ rất muốn lắng nghe.
5. Đối thủ cạnh tranh của bạn luôn là hình tượng mới mẻ.
Trong một thị trường vốn đã đông đúc với những người chơi có tên tuổi, rất khó để bạn trở nên nổi bật.
Và giữa hàng ngàn các câu chuyện được tạo ra mỗi ngày trên thị trường, bạn nên tự hỏi bản thân mình: “Câu chuyện của chúng ta có gì thú vị?
Việc suy nghĩ như một nhà báo hoặc một người chuyên về khai thác tin tức có thể giúp bạn hiểu điều này tốt hơn.
Câu chuyện của bạn có đáng tin cậy? Nó có phù hợp với các cuộc trò chuyện hay thảo luận hiện có (hay còn gọi là tính thời sự) không?
Tại sao mọi người nên quan tâm đến câu chuyện đó? Bạn có thể đưa ra một quan điểm hoặc sản phẩm thực sự độc đáo không? Nó giải quyết các vấn đề mang tính xu hướng, những nỗi đau trong bối cảnh lớn hơn như thế nào?
PR không phải là làm cho mọi thứ trở nên ‘ồn ào’ hơn. Đó là tập trung tiếng nói của thương hiệu và sử dụng thuật kể chuyện để truyền đạt những gì khiến bạn thực sự độc đáo.
Con đường dẫn đến việc mua hàng là một con đường vô cùng đông đúc và chông gai, vì vậy điều quan trọng bạn cần lưu ý là mục tiêu cuối cùng của PR không phải dành cho những quyết định mua hàng.
Nó phải là một công cụ vô giá trong việc giao tiếp với công chúng và xây dựng niềm tin từ họ vào một thương hiệu.
Như Bill Gates cũng đã từng nói: “Nếu tôi chỉ còn một đô la, tôi sẽ dành nó cho PR.”
Theo marketingtrips